Sự ra đời của công đoàn An Giang trên mảnh đất anh hùng cách mạng gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Công đoàn cơ sở

Sự ra đời của công đoàn An Giang trên mảnh đất anh hùng cách mạng gắn liền với tên tuổi Chủ tịch Tôn Đức Thắng

01:53 17/06/2019

1. Tiểu sử đồng chí Tôn Đức Thắng Đồng chí Tôn Đức Thắng (20/8/1888 - 30/03/1980) sinh ra trong một gia đình nông dân khá giả. Thân phụ là cụ Tôn Văn Đề và thân mẫu là cụ Nguyễn Thị Dị, đều là những người nông dân cần cù, hiền lành, chất phác. Đồng chí là con trai đầu lòng, có một em trai và hai em gái. Thời thơ ấu, đồng chí được gia đình cho học chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Người thầy đầu tiên là nhà nho yêu nước Nguyễn Thượng Khách, trong nhóm “Đông kinh nghĩa thục”. Thầy Năm Khách thường kể cho cậu học trò Tôn Đức Thắng về những sự kiện ở quê hương, giảng giải đạo làm người, giáo dục tình yêu đất nước và lòng trung thành với sự nghiệp của cha ông. Truyền thống quê hương và tấm gương anh dũng chống thực dân Pháp của các nghĩa quân Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Thủ Khoa Huân, Đốc Binh Kiều, Thiên Hộ Dương,…đã in sâu trong tâm hồn Tôn Đức Thắng, thắp lên trong lòng cậu học trò những dự định lớn lao.

     Năm 1906, Tôn Đức Thắng tốt nghiệp tiểu học ở trường tỉnh Long Xuyên, từ chối ra làm việc cho các chức sắc ở làng, từ chối điều kiện thuận lợi gia đình tạo cho để trở thành công chức. Năm 1907, với tuổi thanh niên rực lửa, trong lòng mang nặng truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, khoan dung của quê hương và nỗi nhục, nỗi đau của người dân nô lệ bị mất nước, mất độc lập tự do, Tôn Đức Thắng lên Sài Gòn học việc và dự kiến thực hiện hoài bão của đời mình. Ý chí tự lập ngay từ khi tuổi còn trẻ là một nét độc đáo góp phần tạo nên tính cách toàn diện của Tôn Đức Thắng sau này.
     2. Cuộc đời hoạt động cách mạng Chủ tịch Tôn Đức Thắng
Việc Tôn Đức Thắng rời quê hương lên Sài Gòn, chọn con đường trở thành người thợ là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời. Vốn thông minh, có tính độc lập cao, có năng khiếu lao động kỹ thuật, giàu lòng thương người, anh đã nhanh chóng hoà mình vào cuộc sống của giai cấp công nhân và phong trào đấu tranh của họ, nhận thấy sức mạnh của giai cấp công nhân và những bất công mà họ đang phải chịu đựng. Lý tưởng, khát vọng làm những việc hữu ích cho đất nước, dân tộc và giai cấp thôi thúc anh hành động. Trong anh, đã hình thành sự kết hợp tư tưởng yêu nước với tư tưởng cách mạng.
     Năm 1909, anh tham gia vận động anh em học sinh lính thuỷ bỏ học; năm 1910, tham gia vận động anh chị em công nhân Sở Kiến trúc cầu đường và nhà ở Sài Gòn chống bọn chủ cúp phạt, đánh đập vô lý và đòi tăng lương; năm 1912, tham gia lãnh đạo cuộc bãi công của công nhân Ba Son và vận động học sinh trường Bá Nghệ Sài Gòn bãi khoá. Thắng lợi của cuộc đình công củng cố cho Tôn Đức Thắng niềm tin vào sức mạnh của giai cấp công nhân và đem lại cho anh những kinh nghiệm bước đầu trong việc vận động đoàn kết tập hợp công nhân đấu tranh.
     Năm 1915, Tôn Đức Thắng vào học trường Cơ khí châu Á ở Sài Gòn (trường Bá Nghệ Sài Gòn). Những hoạt động ở năm thứ nhất tại trường đã bộc lộ năng lực tập hợp đoàn kết, năng lực tổ chức thực tiễn, tinh thần đấu tranh không khoan nhượng với kẻ thù chống lại áp bức, cường quyền của Tôn Đức Thắng.
     Năm 1916, Tôn Đức Thắng bị động viên trở thành lính thợ làm việc trên chiến hạm France. Việc Tôn Đức Thắng tham gia vào sự kiện kéo cờ đỏ trên chiến hạm France ở Biển Đen tháng 4/1919 có ý nghĩa lớn bởi anh là người Việt Nam đầu tiên dũng cảm tham gia bảo vệ chính quyền Xô Viết trẻ tuổi và Cách mạng Tháng Mười Nga vào thời điểm quan trọng. Đây là dấu mốc đánh dấu sự trưởng thành về ý thức và định hướng chính trị trong cuộc đời đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc của Tôn Đức Thắng.
     Sau vụ binh biến ở Biển Đen, bị trục xuất khỏi nước Pháp, Tôn Đức Thắng trở về Sài Gòn tích cực tham gia hoạt động nghiệp đoàn và trở thành người tổ chức và lãnh đạo Công hội bí mật năm 1920, Công hội đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam. Tôn Đức Thắng cùng Công hội của mình lãnh đạo các cuộc bãi công của công nhân ở Sài Gòn-Chợ Lớn. Đây là giai đoạn hoạt động rất sôi nổi của Tôn Đức Thắng trong phong trào công nhân.
     3. Sự ra đời công đoàn An Giang
     An Giang là vùng đất mới thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ở phía Tây Nam của Việt Nam. An Giang nằm giữa sông Tiền, sông Hậu và dọc theo hữu ngạn sông Hậu thuộc hệ thống sông Mê Kông. Phía đông bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía tây nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông nam giáp thành phố Cần Thơ, phía tây bắc giáp Campuchia với chiều dài hơn 100km.
Diện tích toàn tỉnh gần 353.676 km2, cả tỉnh có 8 huyện, 1 thị xã (TX.Tân Châu), 2 thành phố (TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc), tỉnh lỵ đặt tại thành phố Long Xuyên.
     Vào khoảng thời gian từ Chiến tranh thế giới thứ nhất (năm 1914) đến cuối đợt khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp (năm 1929) tại Việt Nam đã xuất hiện giai cấp công nhân. Lực lượng này đã phát triển lên tới hơn chục nghìn người, tập trung ở các ngành giao thông vận tải, công nghiệp nhẹ, điện, nước, xây dựng, nhiều nhất là công nhân ngành dệt, mộc, khai thác đá.
     Đặc biệt, trong những năm tháng vận động tổ chức thành lập Công hội ở Sài Gòn và một số tỉnh Nam kỳ, đồng chí Tôn Đức Thắng, người con ưu tú của An Giang đã chắp nối được đường dây liên lạc với An Giang nhằm gây dựng ở đây những tổ chức Công hội để vận động công nhân, thợ thủ công cùng cả nước làm cách mạng. Tại An Giang, trong khoảng thời gian từ những năm 1920 trở đi đã có những tổ chức Công hội do đồng chí Tôn Đức Thắng gây dựng, lực lượng chính tham gia Công hội gồm: Thợ mộc, thợ dệt là hai ngành nghề thủ công phát triển nhất ở An Giang vào thời kỳ này. Cuối năm 1927, Chi bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội đầu tiên của An Giang được thành lập ở xã Long Điền B, huyện Chợ Mới do đồng chí Châu Văn Liêm làm Bí thư. Sự kiện lịch sử này đánh dấu bước ngoặt quan trọng trên con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân An Giang, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức Công hội sơ khai ở An Giang có sự chuyển biến về số lượng và chất lượng.
     Từ cuối năm 1928, Tỉnh bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạnh Đồng chí Hội Long Xuyên có chủ trương đưa Hội viên đi “vô sản hóa” thí các tổ chức Công hội ở An Giang càng có điều kiện phát triển mạnh mẽ. Khi phân tích cho công nhân, thợ thủ công thấy sự cần thiết phải lập Công hội, các Hội viên đã nhắc lại câu nói  giản dị, sâu sắc của đồng chí Nguyễn Ái Quốc: “ Người không có tổ chức thì cũng như một chiếc đũa lẽ loi, ai bẻ cũng được; người có đoàn thể cũng như nhiều đũa cột lại thành một bó, không ai bẻ được”; về nhiệm vụ của Công hội cũng được giải thích theo chỉ dẫn của đồng chí Nguyễn Ái Quốc:
“Tổ chức Công hội trước là để cho công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là để giữ gìn lợi quyền cho công nhân; năm là để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới”.
     Tháng 04 năm 1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của Long Xuyên, Châu Đốc được thành lập ở Chợ Mới và nhanh chóng phát triển ra các địa bàn khác trong tỉnh. Cũng từ đây, tổ chức Công hội ở An Giang được củng cố, phát triển, lớn mạnh về mọi mặt, góp phần cùng với quân dân An Giang đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng giai cấp, giải phóng quê hương thông qua các cao trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng từ những năm 1930 - 1945, năm 1945 – 1954, năm 1954 – 1975.
     Cuộc tổng khởi ngĩa tháng 8 năm 1945 thành công, đến cuối năm 1947 dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy, Công đoàn Nam bộ đã cử đồng chí Thạch Cang về các tỉnh miền Tây để phối hợp với các cấp Ủy Đảng củng cố hệ thống Công đoàn. Vào giữa tháng 5 năm 1958 Liên hiệp Công đoàn Long - Châu - Hậu được thành lập, đồng chí Lê Văn Sửu (Sáu Sửu) - Tỉnh ủy viên được cử làm Thư ký Công đoàn tỉnh. Từ năm 1948 đến tháng 7 năm 1954, các đồng chí: Sáu Sửu, Long, Hùng, Đôn và Hiệp Thành lần lượt được phân công làm Thư ký Công đoàn tỉnh. Từ giữa năm 1948 đến đầu năm 1949, Công đoàn các thị xã và huyện như: Long Xuyên, Châu Đốc, Thoại Sơn, Chợ Mới, Châu Thành,… lần lượt được thành lập.
     Từ sau ngày 20 tháng 7 năm 1954 - Hiệp định Genève được ký kết,  tổ chức Công đoàn ở Long Xuyên và Châu Đốc có nhiều thay đổi, một số cán bộ chủ chốt theo sự phân công của Đảng đã lên đường tập kết ra Bắc. Do địch khống chế, kềm kẹp gắt gao nên hệ thống tổ chức Công đoàn từ tỉnh xuống cơ sở không tồn tại như trước nữa, cơ quan Liên hiệp Công đoàn tỉnh giải thể, các công đoàn cơ sở hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cấp Ủy Đảng.
     Ngày 27 tháng 4 năm 1961, Hội Lao động Giải phóng Miền Nam (sau đổi tên thành Liên hiệp Công đoàn Giải phóng Miền Nam) ra đời. Vào những năm 1961 – 1964, do tình hình ở An Giang bị địch khống chế, kềm cặp lực lượng công nhân phân tán nên không xúc tiến thành lập các Chi hội Lao động Công đoàn Giải phóng (Công đoàn Giải phóng); thay vào đó Đảng chủ trương thành lập các Chi bộ Lao động ở thị xã Long Xuyên, Châu Đốc để trực tiếp chỉ đạo mọi hoạt động của công nhân lao động.
      Ở Long Xuyên, Thị xã ủy Quyết định thành lập Chi bộ Công vận do đồng chí Lê Thành Đoàn (Lê Triết, Bảy Triết) làm Bí thư và 02 đồng chí Bùi Quốc Huy (Năm Huy), Bảy Hiệp; đến cuối năm 1967 do một số cơ sở bị lộ, đồng chí Bảy Triết được lệnh rút ra vùng căn cứ, đồng chí Dương Thị Liên (Mười Liên) được phân công thay đồng chí Bảy Triết phụ trách Chi bộ Công vận thị xã. Ở Châu Đốc, đồng chí Lê Thị Thanh Cương (Ba Thanh Cương) được cử phụ trách cánh lao động ở thị xã.
     Cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968 đã làm thất bại chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ, chúng chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh từ năm 1969 để bình định các vùng nông thôn và đánh phá vào các vùng giải phóng của ta. Để duy trì cơ sở cách mạng, tháng 5 năm 1963 Tỉnh ủy An Giang quyết định thành lập Ban Công vận, đồng chí Hồ Chí Sơn (Sáu Sơn), Thường vụ Tỉnh ủy được giao nhiệm vụ làm Trưởng Ban Công vận, đồng chí Nguyễn Văn Thiệt (Chín Thiệt) làm Phó ban và đồng chí Bảy Triết làm ủy viên. Nhiệm vụ chính là liên hệ các cơ sở cách mạng tại Long Xuyên và Châu Đốc để chỉ đạo việc xây dựng cơ sở và tổ chức công nhân lao động tiến hành các phong trào đòi quyền lợi dân sinh dân chủ. Ở Long Xuyên, đồng chí Dương Thị Liên (Mười Liên) được phân công phụ trách Công vận; ở Châu Đốc, đồng chí Tư Kỉnh, Bí thư Thị xã Ủy trực tiếp phụ trách công tác Công vận, từ giữa năm 1972 đồng chí Chín Oanh được phân công phụ trách Công vận thị xã.
     Ngày 29 tháng 6 năm 1974 theo chỉ thị của cấp trên, tỉnh An Giang một lần nữa lại giải thể, lấy thêm một số huyện của tỉnh Kiến Phong để thành lập ra 2 tỉnh mới là Long Châu Hà (gồm 8 huyện và 2 thị xã là: Châu Phú, Châu Thành, Hà Tiên, Phú Quốc, Châu Thành A, Tri Tôn, Huệ Đức, Tịnh Biên, Long Xuyên, Châu Đốc) và Long Châu Tiền (gồm huyện Phú Châu, Phú Tân, Chợ Mới, Thanh Bình, Tam Nông, Hồng Ngự).
     Tháng 01 năm 1976, hai tỉnh Long Châu Hà và Long Châu Tiền hợp nhất thành tỉnh An Giang. Tỉnh ủy An Giang quyết định cử đồng chí Lý Kim Xem (Sáu Mỹ Tân) làm Thư ký lâm thời Liên hiệp Công đoàn tỉnh (nay là Liên đoàn Lao động tỉnh An Giang) cùng 18 ủy viên Ban chấp hành lâm thời Liên hiệp Công đoàn tỉnh An Giang.
     Đến nay, tổ chức Công đoàn An Giang đã trải qua 10 kỳ Đại hội, Đại hội lần thứ X Công đoàn An Giang diễn ra từ ngày 8 -9/03/2018 tại Hội trường Tỉnh với 297 đại biểu đại diện cho trên 203.000 công nhân, viên chức – lao động trong tỉnh đến dự. Đại hội đã thông qua Nghị quyết gồm 8 chỉ tiêu thuộc trách nhiệm trực tiếp của tổ chức công đoàn (trong đó chỉ tiêu đầu tiên quan trọng mà tổ chức công đoàn cần quyết tâm thực hiện là phát triển 18.000 đoàn viên công đoàn; thành lập CĐCS ở 100% DN có từ 25 lao động trở lên, 50% DN có từ 10 lao động  trở lên, đủ điều kiện theo qui định ). Trải qua 10 kỳ đại hội, tổ chức công đoàn An Giang đã nỗ lực phấn đấu hoạt động đạt được những kết quả đáng phấn khởi được Đảng, Nhà nước khen thưởng các danh hiệu cao quý, trong đó danh hiệu cao quý nhất được Nhà nước khen tặng là Huân chương độc lập Hạng nhì.
 

     4. Kết quả thực hiện vai trò của Công đoàn Cơ sở Sở Nội vụ trong thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích của công đoàn viên
     a) Quyền đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động
     - Hàng năm, công đoàn cùng với Đảng ủy, Chính quyền tổ chức hội nghị cán bộ, công chức, ký giao ước thi đua giữa Lãnh đạo cơ quan với lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và thông qua các văn bản qui định liên quan đến quyền lợi của đoàn viên, CCVC&NLĐ như: Quy chế dân chủ cơ quan, ký kết thi đua giữa Ban giám đốc, các thủ trưởng phòng, ban, đơn vị trực thuộc, quy chế làm việc giữa Ban Giám đốc với công đoàn,...bầu ban thanh tra nhân dân. Thông qua Hội nghị Ban Giám đốc tiếp thu ý kiến đóng góp, giải đáp những thắc mắc, kiến nghị của đoàn viên, CCVC&NLĐ thảo luận về các giải pháp biện pháp để cải thiện môi trường làm việc, tăng thêm thu nhập cho đoàn viên, CCVC&NLĐ tại đơn vị. Đồng thời qua Hội nghị phản ánh được tâm tư, nguyện vọng, nâng cao ý thức trách nhiệm đoàn kết, gắn bó của mỗi công đoàn viên với đơn vị; từ đó, đoàn viên hưởng ứng nhiệt tình phong trào thi đua do đơn vị phát động.
     - Tăng cường công tác giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách, pháp luật qui định đến quyền, lợi ích của đoàn viên, CCVC&NLĐ như: chế độ tiền lương, tăng thu nhập từ khoản kinh phí tiết kiệm, khen thưởng đào tạo cán bộ,...
     b) Quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội
     Công đoàn thực hiện quyền tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội: Tham gia với cơ quan xây dựng chính sách, pháp luật về kinh tế - xã hội, lao động, việc làm, tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và chính sách, pháp luật khác liên quan đến tổ chức công đoàn, quyền, nghĩa vụ của người lao động; phối hợp với cơ quan nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, kỹ thuật bảo hộ lao động, xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, vận động cơ quan thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động; giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật. tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; tham gia xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi ngành,…
     c) Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức, người lao động
     - Luôn quan tâm đến đời sống tinh thần và vật chất của đoàn viên, CCVC&NLĐ đặc biệt các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hoặc mới vào công tác để từ đó có hướng hỗ trợ để cùng nhau phát triển.
     - Kịp thời thăm hỏi đoàn viên, CCVC&NLĐ và người thân bị bệnh hoặc gặp khó khăn trong cuộc sống và thực hiện tốt chế độ nghỉ phép và nghỉ thai sản. Chính quyền và công đoàn đồng ký bảo lãnh vay để cải thiện đời sống cho ... lượt đoàn viên, CCVC&NLĐ và giải quyết thấu chi cho ... lượt đoàn viên, CCVC&NLĐ. Tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, CCVC&NLĐ khám bệnh định kỳ và tham qua, nghỉ mát kết hợp với các đợt công tác.        
     - Hàng năm, tổ chức tặng quà và khen thưởng các cháu thiếu nhi là con của đoàn viên, CCVC&NLĐ có thành tích xuất sắc học tập nhân ngày quốc tế thiếu nhi (1/6), tổ chức vui Tết Trung thu cho các cháu. Thăm hỏi tặng quà cán bộ của ngành đã nghỉ hưu  vào dịp tết nguyên đán, truyền thống ngành. Vào các dịp lễ, tết công đoàn phối hợp chính quyền tặng quà cho CCVC&NLĐ của cơ quan và các đơn vị trực thuộc.  
     - Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đa dạng và phù hợp mang lại đời sống tinh thần cho công chức, viên chức Sở Nội vụ./.

 

 

Tiền Em - Chi cục Văn thư lưu trữ

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Ông Trương Long Hồ (Phó Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0983.570.009

Email: tlho@angiang.gov.vn

2

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

3

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nội vụ an giang

1

Ông Ngô Hồng Yến (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.658.627

2

Bà Ngô Thị Ngọc Hạnh (Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0968.078.529

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.981.818

Thống kê truy cập

Lượt truy cập

Hôm nay

Đang online