An Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo
Công tác Tôn giáo

An Giang tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo

03:24 24/07/2024

Là tỉnh đa dân tộc, tôn giáo, An Giang hiện có 29 dân tộc, 11 tôn giáo, trong đó có 03 tổ chức tôn giáo, 298 tổ chức tôn giáo trực thuộc; 266 cơ sở tín ngưỡng, 529 cơ sở thờ tự hợp pháp; với trên 1,5 triệu tín đồ, chiếm 82,3% dân số toàn tỉnh (theo tổng điều tra dân số năm 2019); có trên 1.200 chức sắc và trên 3.900 chức việc.

Có nhiều loại hình tín ngưỡng và tôn giáo; có tín ngưỡng, tôn giáo gắn với dân tộc (Phật giáo Nam tông Khmer gắn liền với dân tộc Khmer, Hồi giáo gắn liền với dân tộc Chăm, tín ngưỡng người Hoa gắn với dân tộc Hoa). Bên cạnh đó, An Giang còn là nơi đặt Văn phòng trụ sở làm việc của các tổ chức tôn giáo: Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, Ban Trị sự Trung ương Phật hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh. Ngoài ra còn có trụ sở Tòa Giám mục Giáo phận Long Xuyên.

 Responsive image
An Hòa tự, thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, nơi đặt Văn phòng Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền của tỉnh luôn quan tâm đến tín ngưỡng, tôn giáo và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân tôn giáo, cũng như Nhân dân được sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo đúng theo quy định pháp luật, từ đó tạo sự đồng thuận trong chức sắc, chức việc các tôn giáo và đồng bào có đạo, yên tâm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. 
Từ khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 162) nay là Nghị định số 95/2023/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 95) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các địa phương nghiêm túc quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện đúng, kịp thời theo quy định. 

 Responsive image
Bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo cho cán bộ, công chức làm công tác này trên địa bàn tỉnh

UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã hướng dẫn các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, người đại diện, Ban Quản lý các cơ sở tín ngưỡng thuộc đối tượng quản lý ở địa phương tăng cường vận động, tuyên truyền chức sắc, chức việc, đến tín đồ tôn giáo, người có tín ngưỡng và Nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tổ chức lễ hội, sinh hoạt tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo giáo tại các cơ sở thờ tự, ngăn chặn những biểu hiện mê tín dị đoan, lệch chuẩn, trục lợi trong các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; đối với các hoạt động tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo phải thông qua tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc tại địa phương, chính quyền địa phương và thực hiện đúng quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Hướng dẫn, quản lý nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung trên địa bàn hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời xem xét, giải quyết các nhu cầu chính đáng, hợp pháp của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tôn giáo đúng quy định, trong đó có việc hướng dẫn đăng ký hoạt động tín ngưỡng của các cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng theo Điều 12 và đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung tại Điều 16, 17 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; không để tổ chức, cá nhân lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Responsive image

Lễ hội Kỳ yên Đình Thần xã Bình Thủy, huyện Châu Phú

Bên cạnh đó, xác định hoạt động tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật có vai trò hết sức quan trọng trong việc thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong những năm qua, UBND tỉnh đã tăng cường công tác chỉ đạo công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng nhất là sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, Nghị định 162 và Nghị định 95 thay thế Nghị định 162 của Chính phủ đến các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tín ngưỡng, cơ sở thờ tự tôn giáo trên địa bàn bằng nhiều phương thức phù hợp như: mở các lớp tập huấn, Hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; lồng ghép tuyên truyền trong Hội thảo, cuộc họp và các buổi gặp gỡ, tiếp xúc,… hằng năm.
Kịp thời thông tin, phản tuyên truyền các hiện tượng tôn giáo trái pháp luật đến các ngành có liên quan và địa phương về cách nhận biết và đấu tranh ngăn chặn, phòng ngừa đối với các hiện tượng này. Tuyên truyền, vận động các tổ chức tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng, chức sắc, chức việc và người có đạo trên địa bàn thực hiện theo giáo lý, giáo luật, Hiến chương tổ chức tôn giáo, pháp luật nhà nước; cảnh giác trước các hiện tượng tôn giáo mới, kịp thời thông tin cơ quan chức năng khi phát hiện các hiện tượng tôn giáo trái pháp luật.


 Responsive image
Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho chức sắc, chức việc Cộng đồng Hồi giáo (Islam) tỉnh

Cùng với sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách tôn giáo, đã góp phần xây dựng tốt mối quan hệ đoàn kết nội bộ, giữa người có đạo với người không có đạo. Đối với chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo ngày càng phấn khởi, tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước; chăm lo phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân từng bước được cải thiện; quyền làm chủ của nhân dân được mở rộng, phát huy; tinh thần cảnh giác cách mạng của nhân dân và quần chúng tín đồ các tôn giáo được nâng cao; thực hiện sinh hoạt tôn giáo tuân thủ quy định của pháp luật. Đồng thời hưởng ứng tham gia tích cực Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. 

Responsive image
 
Lãnh đạo UBND tỉnh tiếp xúc, gặp gỡ với đại diện Tòa Giám mục Giáo phận Long Xuyên

Các ngành, địa phương tăng cường công tác tiếp xúc, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo, tạo mối quan hệ ngày cởi mở, trên tinh thần đối thoại và hợp tác, tạo niềm tin để hiểu, đồng thuận. Từ đó, các chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu và người uy tín tại địa phương phát huy vai trò trong tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào địa phương phát động; chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của địa phương; tham gia tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện như: xây mới, sửa chữa nhà đại đoàn kết, nhà tình nghĩa, nhà tình thương; cứu trợ thiên tai; xây cầu; làm đường; xe chuyển bệnh miễn phí; bếp ăn từ thiện; hỗ trợ người nghèo, học sinh nghèo hiếu học,... hàng năm, đóng góp tiền và vật chất quy ra tiền trên 100 tỷ đồng, góp phần đáng kể vào công tác đảm bảo an sinh xã hội tại từng địa phương.


UBND thị trấn Cái Dầu, huyện Châu Phú phối hợp Ban Đại diện PGHH tỉnh trao quà tiếp bước đến trường cho các em học sinh trên địa bàn

Nhìn chung, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh diễn ra cơ bản ổn định, tuân thủ quy định pháp luật của Nhà nước và theo đúng Hiến chương, điều lệ, tôn chỉ, mục đích của tôn giáo và thực hiện theo đúng phương châm hành đạo gắn bó, đồng hành với dân tộc; quan hệ giữa chính quyền với tôn giáo ngày càng cởi mở, gắn bó hơn.
Bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn cũng còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 95 tuy được quan tâm triển khai nhưng vẫn chưa thật sự sâu rộng, vẫn còn một bộ phận người có đạo và một số tổ chức tôn giáo trực thuộc, cơ sở tín ngưỡng chưa được tiếp cận để hiểu, biết và thực hiện; cán bộ, công chức phụ trách công tác tôn giáo ở cơ sở thường xuyên thay đổi, ảnh hưởng đến công tác tham mưu, đề xuất xử lý các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo tại địa bàn phụ trách; việc quản lý tài sản, giáo sản của các tổ chức tôn giáo chưa tốt hoặc do chưa xác lập quyền quản lý, quyền sở hữu đầy đủ đúng theo quy định của pháp luật từ đó làm phát sinh tình trạng khiếu nại, tranh chấp.

Responsive image

Kiểm tra thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo tại UBND thành phố Long Xuyên


Để khắc phục những hạn chế nêu trên, cũng như góp phần thực hiện tốt hơn  nữa công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị về công tác tín ngưỡng, tôn giáo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định pháp luật; thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tôn giáo; xem xét giải quyết kịp thời đề nghị, nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân tôn giáo theo quy định của pháp luật; tăng cường vận động, đoàn kết đồng bào có tôn giáo phát huy các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo sống “Tốt đời, đẹp đạo”, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương, tích cực đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; tiếp tục củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác tín ngưỡng, tôn giáo từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong việc tham mưu, chỉ đạo giải quyết vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo,…

 Responsive image
Miếu Bà Chúa Xứ Núi Sam, thành phố Châu Đốc, di tích lịch sử cấp Quốc gia

Với những kết quả đạt được, cũng như với những giải pháp đề ra trong thời gian tới, tin tưởng rằng, công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh sẽ gặt hái được nhiều thành tựu hơn nữa, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn dần đi về nề nếp, ổn định, phát triển phù hợp với sự phát triển của xã hội hiện nay nhưng vẫn giữ được nét đẹp truyền thống, đặc trưng vốn có, góp phần gìn giữ và phát triển chung nền văn hoá, dân tộc Việt Nam và nhu cầu tín ngưỡng chính đáng của người dân, đồng thời góp phần vào phát triển của dân tộc, của tỉnh An Giang - quê hương Bác Tôn anh hùng./.

Tiến Lên

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Ông Trương Long Hồ (Phó Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0983.570.009

Email: tlho@angiang.gov.vn

2

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

3

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nội vụ an giang

1

Ông Lê Nguyên Châu (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0907.312.277

2

Bà Ngô Thị Ngọc Hạnh (Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0968.078.529

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.981.818

Thống kê truy cập

Lượt truy cập

Hôm nay

Đang online