Tham luận Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh An Giang theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2015 - 2021
Tổ chức - Bộ máy

Tham luận Sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh An Giang theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2015 - 2021

08:16 23/12/2022

An Giang là tỉnh đầu nguồn thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, phía đông và đông bắc giáp tỉnh Đồng Tháp, phía tây bắc giáp Vương quốc Campuchia có đường biên giới dài gần 100km với 4 cửa khẩu quốc tế và quốc gia, phía nam và tây nam giáp tỉnh Kiên Giang, phía đông nam giáp tỉnh Cần Thơ. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh là 3.536,76 km². Dân số là 1.908.352 người. An Giang có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (02 thành phố, 01 thị xã và 08 huyện), 156 đơn vị hành chính cấp xã (116 xã, 21 phường và 19 thị trấn).

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 19-NQ/TW) và Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị quyết số 08/NQ-CP), Tỉnh ủy An Giang đã tổ chức triển khai nghiêm túc, kịp thời các Nghị quyết của Trung ương, tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động, các ngành, các cấp, các đơn vị sự nghiệp công lập và toàn xã hội trong việc đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh An Giang. Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo triển khai của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng Đề án, Kế hoạch tổ chức thực hiện. Kết quả bước đầu, tỉnh An Giang cơ bản đã hoàn thành mục tiêu Đề án, Chương trình hành động của Tỉnh ủy đặt ra, hệ thống tổ chức bộ máy các ĐVSNCL trên địa bàn tỉnh tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, từng bước giảm chi ngân sách nhà nước cho ĐVSNCL.

I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, Tỉnh ủy An Giang đã khẩn trương ban hành Kế hoạch số 37-KH/TU ngày 28/11/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII; Chương trình hành động số 20-CTr/TU ngày 11/9/2018 của Ban Chấp hành đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/20217 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; Đề án số 05-ĐA/TU ngày 12/9/2018 thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; giao Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy xây dựng kế hoạch và chỉ đạo các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó chú trọng các nội dung về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, viên chức; đẩy mạnh thực hiện tự chủ tài chính trong các ĐVSNCL, giảm chi thường xuyên và góp phần cải cách chính sách tiền lương.
Nhằm thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và các văn bản của Trung ương về tổ chức triển khai, tuyên truyền phổ biến nội dung Nghị quyết của của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá XII, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) ban hành Kế hoạch số 621/KH-UBND ngày 05/10/2018 về vận động nhân dân giám sát thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW; đồng thời ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai, đôn đốc thực hiện; chỉ đạo các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của tỉnh tổ chức quán triệt, tuyên truyền đến từng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, địa phương và trong toàn hệ thống chính trị về các nội dung chính của các Nghị quyết. 
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Qua hơn 05 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, tỉnh An Giang đạt được một số kết quả về sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL, như sau:
2.1. Kết quả sắp xếp tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập 

Trên cơ sở quy định của Nhà nước về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) theo từng ngành, lĩnh vực, tỉnh An Giang đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại ĐVSNCL của từng ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc: (1) Hạn chế việc thành lập ĐVSNCL, trường hợp cần thiết phải thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập, thì đơn vị đó phải tự bảo đảm toàn bộ về tài chính, (trừ trường hợp phải thành lập mới để cung ứng dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu); (2) Một ĐVSNCL có cung ứng nhiều dịch vụ sự nghiệp công cùng loại nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ; (3) Cơ cấu lại hoặc giải thể các ĐVSNCL hoạt động không hiệu quả; (4) Đẩy mạnh xã hội hoá, chuyển các đơn vị sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác đủ điều kiện thành công ty cổ phần. 
Năm 2015, toàn tỉnh có 990 ĐVSNCL (trong đó: 06 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; 199 đơn vị trực thuộc các sở, ban ngành tỉnh, 785 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện). Tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, tỉnh An Giang có 866 ĐVSNCL (trong đó: 07 đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; 158 đơn vị trực thuộc các sở, ban ngành tỉnh, 701 đơn vị trực thuộc UBND cấp huyện). Như vậy, giai đoạn 2015-2021, tỉnh An Giang đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại giảm 124 đơn vị (cấp tỉnh: 40 đơn vị; cấp huyện: 84 đơn vị), đạt tỷ lệ 12,5%. Cụ thể như sau:
- Lĩnh vực giáo dục - đào tạo: Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các trường có quy mô nhỏ và địa bàn lân cận, sắp xếp, tổ chức lại các trường mầm non, phổ thông, hình thành trường phổ thông nhiều cấp học phù hợp với nhu cầu, mục tiêu của Trung ương và thực tiễn tại địa phương, gắn liền với nâng cao chất lượng giáo dục, giảm 35 trường (05 TTGDTX, 01 THPT, 23 TH, 06 MN). Ngoài ra, thực hiện chủ trương sắp xếp lại các Trường Đại học công lập nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, năm 2019 tỉnh An Giang đã chuyển giao Trường Đại học An Giang về Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và là Trường Đại học thành viên của Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. 
- Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: sắp xếp các Trường Trung cấp, Cao đẳng nghề; sáp nhập các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) vào trường Trung cấp nghề nhằm tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng giáo dục ghề nghiệp. Kết quả giảm 06 đơn vị, cụ thể: hợp nhất Trường Trung cấp nghề Châu Đốc, Trường Trung cấp nghề Tân Châu, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật An Giang thành Trường Trung cấp Kỹ thuật - Tổng hợp An Giang; sáp nhập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) vào trường Trung cấp nghề đối với 05 huyện có 02 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt trên địa bàn huyện (Châu Phú, Chợ Mới, Châu Đốc, Tân Châu, Tri Tôn). 
-  Lĩnh vực y tế: một trong các biện pháp hữu hiệu nhất được Nhà nước chú trọng để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế nói chung và của y tế dự phòng nói riêng là sắp xếp tổ chức lại bộ máy hoạt động, nhằm để củng cố và phát triển hệ thống y tế dự phòng trong tỉnh theo hướng tập trung, thu gọn đầu mối, nhằm tăng cường hiệu quả và nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm đủ khả năng dự báo, kiểm soát các bệnh lây nhiễm, bệnh không lây nhiễm và các bệnh liên quan đến môi trường sống, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân căn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh An Giang đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại giảm 27 đơn vị, cụ thể:
+ Tuyến tỉnh: thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Dịch vụ - Tư vấn - Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; chuyển Trường Trung học Y tế An Giang thành Trường Cao đẳng Y tế An Giang trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.
+ Tuyến huyện: thực hiện thống nhất mô hình mỗi cấp huyện chỉ có một trung tâm y tế đa chức năng (trừ các huyện có bệnh viện đạt hạng II trở lên). Tỉnh đã thành lập Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố đa chức năng (gồm y tế dự phòng, dân số, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng và các dịch vụ y tế khác). Cụ thể: Sáp nhập 10 Bệnh viện đa khoa huyện, thị xã, thành phố (trừ Bệnh viện Đa khoa khu vực Tân Châu do bệnh viện đạt hạng II trở lên) vào 10 Trung tâm y tế tuyến huyện; 11 Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình huyện, thị xã, thành phố vào 11 Trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; sắp xếp lại hệ thống Phòng khám đa khoa khu vực trên địa bàn tỉnh An Giang.
+ Tuyến xã: trạm y tế xã thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng chống dịch nên không thể giải thể, tuy nhiên tỉnh cũng không thành lập mới trạm tuyến xã.
- Lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao: thực hiện chủ trương sáp nhập các trung tâm có chức năng, nhiệm vụ tương đồng thuộc Sở văn hoá, thể thao và du lịch thành một đầu mối; sáp nhập các trung tâm văn hoá, trung tâm thể thao, nhà văn hoá… trên địa bàn cấp huyện thành một đầu mối; kiện toàn, củng cố thư viện công cộng cấp huyện với các mô hình, thiết chế đã có. Tỉnh An Giang đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại giảm 16 đơn vị (trong đó: cấp tỉnh giảm 05 đơn vị, cấp huyện giảm 11 đơn vị), cụ thể:
+ Cấp tỉnh: sáp nhập Đoàn Ca múa nhạc tổng hợp, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Trung tâm Văn hóa tổng hợp thành Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh An Giang; sáp nhập trường Năng khiếu thể thao, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao và Trung tâm Bóng đá thành Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao; sáp nhập Trung tâm Xúc tiến du lịch trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh.
+ Cấp huyện: kiện toàn, củng cố 11 Thư viện công cộng hoạt động tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện; sáp nhập 10 Trung tâm Văn hóa và 10 Trung tâm Thể dục - Thể thao cấp huyện thành 09 Trung tâm Văn hóa - Thể thao (An Phú, Châu Đốc, Long Xuyên, Tân Châu, Châu Phú, Châu Thành, Chợ Mới, Phú Tân, Tịnh Biên) và 01 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch (Tri Tôn). Riêng huyện Thoại Sơn sáp nhập Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục - Thể thao và Ban Quản lý du lịch và Văn hóa huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Du lịch huyện Thoại Sơn; chuyển Ban Quản lý Khu di tích văn hóa lịch sử và du lịch Núi Sam trực thuộc UBND thành phố Châu Đốc thành Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia Núi Sam trực thuộc UBND tỉnh.
- Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tỉnh An Giang đã tiến hành rà soát, sắp xếp lại hệ thống tổ chức khoa học và công nghệ nhằm giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực nghiên cứu, gắn với quá trình cơ cấu lại ngành khoa học và công nghệ. Thực hiện sáp nhập giảm 01 đơn vị: sáp nhập Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng vào Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thành Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ.
- Lĩnh vực thông tin và truyền thông: nhằm thực hiện mô hình tổ chức, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp để bảo đảm tính thống nhất trong quản lý, chỉ đạo, điều hành về hoạt động thông tin và truyền thông. Tỉnh đã thực hiện sáp nhập 05/11 Đài Truyền thanh vào Trung tâm Văn hóa - Thể thao cấp huyện thành Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh cấp huyện (Châu Đốc, Long Xuyên, Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn, Phú Tân, Chợ Mới).
- Lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác (giảm 34 đơn vị)
+ Về lĩnh vực bảo trợ xã hội: năm 2021, thành lập Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất Trung tâm Công tác xã hội - Bảo vệ trẻ em và Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam tỉnh An Giang trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: tổ chức lại Ban Quản lý rừng phòng hộ và Đặc dụng tỉnh An Giang; sáp nhập Trung tâm Giống cây trồng và vật nuôi và Trung tâm Kiểm nghiệm chất lượng nông lâm sản và thủy sản thành Trung tâm Kỹ thuật - Dịch vụ nông nghiệp; sáp nhập 11 Trạm Thủy lợi cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện thành 05 Trạm Thủy lợi liên huyện trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
+ Về lĩnh vực tài nguyên và môi trường: tỉnh đã tổ chức lại Trung tâm Phát triển quỹ đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường về 11 huyện, thị xã, thành phố trực tiếp quản lý. Năm 2020, tiếp tục thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, xây dựng và thực hiện phương án sắp xếp, tổ chức lại, giải thể các ĐVSNCL chưa đáp ứng điều kiện về số lượng người làm việc tối thiểu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP. Theo đó, 10 Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện (trừ thành phố Long Xuyên do thuộc khu vực đô thị, quản lý nhiều dự án, công trình trọng điểm) có số lượng người làm việc chưa đảm bảo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 5 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP thực hiện sáp nhập với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực cấp huyện, thực hiện cơ chế tự chủ tài chính chi thường xuyên. 
+ Ngoài ra, Tỉnh còn chủ động rà soát, sắp xếp các ĐVSNCL đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 19-NQ/TW, cụ thể như sau: ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh An Giang giảm 01 đơn vị; ĐVSNCL trực thuộc sở, ban, ngành: giảm 01 đơn vị; ĐVSNCL trực thuộc UBND cấp huyện: giảm 14 đơn vị.
+ Về các lĩnh vực: xây dựng, giao thông vận tải, công thương, tư pháp và các lĩnh vực khác...Hiện nay, tỉnh An Giang giữ ổn định các ĐVSNCL trực thuộc Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Công thương, Sở Tư pháp. Tuy nhiên, Tỉnh vẫn thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong (phòng) của ĐVSNCL theo tiêu chí quy định tại Điều 6 Nghị định số 120/2020/NĐ-CP.
2.2. Về quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
- Kết quả quản lý và sử dụng biên chế: thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tỉnh An Giang xác định rõ mục tiêu quan trọng của giai đoạn 2015 - 2021 là phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với biên chế giao năm 2015. Tính đến cuối năm 2021, tỉnh An Giang đã đạt kế hoạch đề ra sớm hơn so với dự kiến, kết quả lũy kế thực hiện lộ trình tinh giản và cắt giảm biên chế của giai đoạn 2015 - 2021 trong ĐVSNCL, cụ thể:  Số lượng người làm việc giao năm 2015 là 38.861 người, biên chế được giao năm 2021 là 33.756 người. Như vậy, giai đoạn 2015 - 2021 đã giảm 5.105 người, đạt tỷ lệ 13,14% so với mục tiêu giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2015.  Đối với số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP: năm 2021, số hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP là 1.516 người, giảm 286 người, đạt tỷ lệ 15,9% so với năm 2017 . Tính đến thời điểm hiện tại, số biên chế viên chức trong các ĐVSNCL đã chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm thuộc loại chi thường xuyên, chi thường xuyên và chi đầu tư bằng việc trả lương từ nguồn thu sự nghiệp là 2.461 người. 
- Kết quả tinh giản biên chế: Tính đến cuối năm 2021, tổng số biên chế viên chức trong các ĐVSNCL thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP là 232 người (trong đó: Năm 2016: 53 biên chế; năm 2017: 35 biên chế; năm 2018: 29 biên chế; năm 2019: 42 biên chế; năm 2020: 38 biên chế; năm 2021: 35 biên chế ) .
2.3. Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tổ chức quán triệt thực hiện, ban hành nhiều kế hoạch, chương trình về đổi mới cơ chế hoạt động của các ĐVSNCL, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù, phần lớn các ĐVSNCL do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên là các đơn vị có nguồn thu thấp, không có điều kiện khai thác, mở rộng dịch vụ, trước hết là các cơ sở giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở y tế,... do đó các Sở chủ quản chưa mạnh dạn thực hiện cơ chế tự chủ, xã hội hóa các ĐVSNCL trực thuộc, kết quả: lĩnh vực giáo dục (01/701 đơn vị, đạt 0,14%); lĩnh vực y tế (06/21 đơn vị, đạt 28,57 %); lĩnh vực khác (41/144 đơn vị, đạt 28,47%). Nếu tính tổng số ĐVSNCL các cấp, không trừ các đơn vị sự nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2015 - 2021, có 48/866 đơn vị tự chủ tài chính chiếm 5,54%. Nếu tách riêng các đơn vị sự nghiệp giáo dục đào tạo, các đơn vị sự nghiệp y tế và sự nghiệp khác đạt 28,48%. Như vậy, đối với lĩnh vực y tế và sự nghiệp khác vượt mục tiêu của Trung ương đặt ra.
Như vậy, sau hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tính đến cuối năm 2021, tỉnh An Giang đã sắp xếp giảm 124/990 ĐVSNCL so với năm 2015 (đạt tỷ lệ 12,5%), giảm 202/751 số lượng các tổ chức bên trong thuộc ĐVSNCL chưa tự chủ chi thường xuyên (đạt tỷ lệ 26,9%); giảm 91 cấp trưởng, 107 cấp phó; giảm 5.105 người so với năm 2015, tương ứng giảm chi ngân sách nhà nước ước tính là 333.694.109.036 đồng; chuyển 48 đơn vị sự nghiệp nâng mức độ tự chủ lên tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư. 

III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ SẮP XẾP
3.1. Thuận lợi
Sau hơn 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW và Nghị quyết số 08/NQ-CP, với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, thông qua nhiều cách làm phù hợp nên các mục tiêu theo Nghị quyết đề ra đạt kết quả khá tốt. Các Chủ trương, Đề án sắp xếp đều được sự đồng thuận cao của cán bộ, công chức, viên chức, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Công tác tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại và giải thể các ĐVSNCL được triển khai khá hiệu quả... Từ đó, khắc phục được một số hạn chế, tồn tại: giảm đầu mối, biên chế, góp phần xây dựng tổ chức, bộ máy từng bước hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 
Tỉnh đã từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính cho các ĐVSNCL, tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Các đơn vị đã chủ động, chú trọng khai thác sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực để triển khai, mở rộng hoạt động dịch vụ, phục vụ nhân dân tốt hơn, tăng nguồn thu, nâng cao thu nhập, giảm chi thường xuyên cho ngân sách... Đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng viên chức trong các ĐVSNCL thuộc thẩm quyền quản lý (theo Nghị định số 115/2020/NĐ-CP), tổ chức bộ máy (theo Nghị định số 120/2020/NĐCP), vị trí việc làm (theo Nghị định số 106/2020/NĐ-CP). Việc phân cấp giúp giảm rõ rệt về thủ tục hành chính, thời gian giải quyết công việc, có điều kiện tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng kịp thời cho người dân và xã hội. Đồng thời chú trọng kiểm tra, đánh giá hiệu quả sau sắp xếp, đảm bảo triển khai đúng Đề án số 05-ĐA/TU của Tỉnh ủy và tinh thần Ban Chỉ đạo về đổi mới cơ chế hoạt động các ĐVSNCL tỉnh An Giang. 
3.2. Khó khăn
Bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW luôn được sự đồng thuận cao trong toàn tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Song việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế viên chức của tỉnh An Giang vẫn còn nhiều khó khăn thách thức: 
- Lĩnh vực giáo dục - đào tạo: các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực giáo dục chiếm tỉ lệ hơn một nửa tổng ĐVSNCL toàn tỉnh, phần lớn tập trung nhiều ở địa bàn nông thôn; đồng thời An Giang là tỉnh đông dân số, do đó việc sắp xếp lại các ĐVSNCL thuộc lĩnh vực giáo dục đào tạo chưa thể đạt mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra.
- Lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp: hiện nay chưa có sự thống nhất giữa các Bộ, ngành về chủ trương giảng dạy hệ GDTX trong các cơ sở GDNN; chưa có hướng dẫn về điều lệ hoạt động của trường trung cấp có chức năng dạy GDTX; sau khi sáp nhập các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp được giao kinh phí tính trên số lượng biên chế, đơn vị được sáp nhập thì tính trên đầu tuyển sinh, gây khó khăn về kinh phí.
- Lĩnh vực y tế: do khối lượng công việc ngày càng tăng, đặc biệt là sự diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 kéo dài, cùng một số dịch bệnh khác đang bùng phát trên địa bàn tỉnh, trong khi biên chế viên chức thực hiện tinh giản theo lộ trình, gây khó khăn, bất cập trong công tác điều hành cũng như công tác phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, chữa bệnh; chế độ, chính sách chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt hàng ngày cũng là một thách thức lớn trong công tác tuyển dụng đội ngũ y, bác sĩ có trình độ, năng lực chuyên môn cao cho tuyến y tế cơ sở.
- Lĩnh vực khoa học và công nghệ: Tỉnh còn thiếu những chuyên gia đầu ngành; cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống, đa số chỉ tập trung xây dựng trụ sở làm việc, chưa đầu tư các phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm, khu sản xuất,...; còn phụ thuộc vào hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Lĩnh vực văn hóa, thể dục thể thao: một số đơn vị chưa thật sự chủ động trong việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình tự chủ; việc thực hiện xã hội hóa lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công còn chậm, còn trông chờ vào sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
- Việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở để xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ gặp nhiều khó khăn, do nhiều Bộ ngành lĩnh vực chưa có văn bản hướng dẫn.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Để tiếp tục triển khai đạt hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra trong giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030, Tỉnh ủy An Giang đề ra một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của các ĐVSNCL nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện.
Hai là, thực hiện đồng bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đồng thời thực hiện nghiêm, nhất quán quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đồng thời phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ba là, thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đi đôi với thực hiện tinh giản biên chế, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Bốn là, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp, khung năng lực từng vị trí việc làm trong ĐVSNCL làm cơ sở để tuyển dụng, phân công, sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức theo hướng tinh gọn và nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện việc đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức hằng năm vào kết quả, hiệu quả hoạt động và công tác của cơ quan, đơn vị; đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, tập trung dân chủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế đối với những cán bộ, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất đạo đức và hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt, qua đó phát huy tính chủ động, tích cực của tập thể, cá nhân.
Trên đây là Báo cáo tham luận của tỉnh An Giang về “Sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh An Giang theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả giai đoạn 2015 - 2021”./.

Giang_Phòng TCBC&TCPCP

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Ông Trương Long Hồ (Phó Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0983.570.009

Email: tlho@angiang.gov.vn

2

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

3

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nội vụ an giang

1

Ông Lê Nguyên Châu (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0907.312.277

2

Bà Ngô Thị Ngọc Hạnh (Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0968.078.529

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.981.818

Thống kê truy cập

Lượt truy cập

Hôm nay

Đang online