Đánh giá kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW
Tổ chức - Bộ máy

Đánh giá kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW

04:07 15/12/2023

Đánh giá kết quả 06 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập

Sau hơn 06 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, với sự quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, thông qua nhiều cách làm phù hợp nên các mục tiêu theo Nghị quyết đề ra cơ bản đạt kết quả tốt. Các chủ trương, Đề án sắp xếp đều được sự đồng thuận cao của cán bộ, viên chức, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội. Việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực chi cho đầu tư phát triển. Công tác tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, viên chức, thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tổ chức lại và giải thể các ĐVSNCL được triển khai khá hiệu quả... Từ đó, khắc phục được một số hạn chế, tồn tại: giảm đầu mối, biên chế, góp phần xây dựng tổ chức, bộ máy từng bước hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Việc từng bước đẩy mạnh giao quyền tự chủ tài chính cho các ĐVSNCL đã tạo chuyển biến mới trong tư duy, nhận thức của các cấp, ngành, đơn vị và đội ngũ cán bộ, viên chức. Các đơn vị đã chủ động, chú trọng khai thác sử dụng hiệu quả tài sản, nguồn lực để triển khai, mở rộng hoạt động dịch vụ, phục vụ nhân dân tốt hơn, tăng nguồn thu, nâng cao thu nhập, giảm chi thường xuyên cho ngân sách... Sau sắp xếp, hoạt động các cơ quan, đơn vị đi vào nề nếp, không có nhiều xáo trộn; tâm tư của cán bộ, viên chức ổn định, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

Về sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập
Sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL: Năm 2015, toàn tỉnh có 990 ĐVSNCL. Tính đến ngày 31/12/2021, tỉnh An Giang có 866 ĐVSNCL. Như vậy, giai đoạn 2015-2021, tỉnh An Giang đã thực hiện sắp xếp, tổ chức lại giảm 124 đơn vị, đạt tỷ lệ 12,53%. Tính đến ngày 30/6/2023, tỉnh An Giang có 853 đơn vị, đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất, giải thể giảm 15 đơn vị, thành lập mới 02 đơn vị, đạt tỷ lệ 1,52% so với năm 2021.
Về thực hiện quy định số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập
Thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, tỉnh An Giang đã tổ chức triển khai rà soát, thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đúng quy định về số lượng lãnh đạo cấp phó, trong quá trình sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL do sáp nhập, hợp nhất thì cấp phó có thể cao hơn quy định, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác không được bổ sung; đồng thời phải có giải pháp điều chuyển, sắp xếp lại số lượng cấp phó trong thời hạn tối đa 03 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất. Trường hợp điều chuyển giữ chức vụ thấp hơn thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ đến hết thời hạn bổ nhiệm. 
Về sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước
cứ Kết luận số 40-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026, quy định: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tinh giản biên chế theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Giai đoạn 2021 - 2026, toàn hệ thống chính trị tinh giản ít nhất 5% biên chế cán bộ, công chức và ít nhất 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Đối với các cơ quan, tổ chức, địa phương, đơn vị chưa thực hiện giảm đủ 10% biên chế giai đoạn 2016 - 2021 thì phải đồng thời vừa thực hiện mục tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2022 - 2026, vừa phải tiếp tục thực hiện chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016 - 2021. Những nơi thực hiện vượt chỉ tiêu giai đoạn 2016 - 2021 thì phần vượt được tính vào kết quả thực hiện giai đoạn 2022 - 2026”; Nghị quyết số 19-NQ/TW, quy định: “Giai đoạn đến năm 2025, Tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021”. Trên cơ sở đó, tỉnh An Giang xác định rõ mục tiêu quan trọng của giai đoạn 2022 - 2026 là phải giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách so với biên chế giao năm 2021.
Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hội hóa dịch vụ sự nghiệp công
Về đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công: Tính đến 30/6/2023, tỉnh An Giang có 853 đơn vị, trong đó: ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: 08 đơn vị; ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên: 41 đơn vị; ĐVSNCL tự bảo đảm một phần chi thường xuyên: 129 đơn vị; ĐVSNCL do NSNN bảo đảm chi thường xuyên: 675 đơn vị, cụ thể từng lĩnh vực như sau: Lĩnh vực giáo dục (01/695 đơn vị, đạt 0,14%); lĩnh vực y tế (06/22 đơn vị, đạt 27,27%); lĩnh vực khác (42/136 đơn vị, đạt 30,88%). Nếu tính tổng số ĐVSNCL các cấp, không trừ các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, có 49/853 đơn vị tự chủ tài chính đạt 5,74%. Nếu tính riêng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế và sự nghiệp khác đạt 30,38%. Như vậy, đối với lĩnh vực y tế và sự nghiệp khác thì kết quả đạt được giai đoạn đầu đã vượt mục tiêu của Trung ương đặt ra (đến năm 2030 là 30%). Các đơn vị ngoài công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công: tính đến 30/6/2023, tỉnh An Giang có 95 đơn vị ngoài công lập cung ứng dịch vụ sự nghiệp công, cụ thể: Lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo: 44 đơn vị; Lĩnh vực y tế: 05 đơn vị; Lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác: 46 đơn vị (Lĩnh vực công chứng: 38 đơn vị; Lĩnh vực đấu giá tài sản: 08 đơn vị).
Việc thực hiện chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần (CTCP) và các loại hình doanh nghiệp khác: theo Đề án số 05-ĐA/TU ngày 12/9/2018 của Tỉnh ủy An Giang về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chuyển 14 ĐVSNCL có đủ điều kiện thành công ty cổ phần và hạch toán như doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay tỉnh An Giang chưa thực hiện được, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: chưa có cơ sở để xác định điều kiện còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu của các đơn vị không ổn định, quy mô nhỏ, người lao động trong đơn vị ít và một số đơn vị có chức năng, nhiệm vụ đang thực hiện không thuộc danh mục ngành, lĩnh vực theo Điều 2 Quyết định số 26/QĐ-TTg.
Như vậy, sau hơn 06 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, với sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tính đến 30/6/2023, tỉnh An Giang đã sắp xếp giảm 137/990 ĐVSNCL so với năm 2015 (đạt tỷ lệ 13,84%), giảm 247/751 số lượng các tổ chức bên trong thuộc ĐVSNCL chưa tự chủ chi thường xuyên, (đạt tỷ lệ 32,89%); giảm 273 cấp phó; giảm 5.551 người so với năm 2015 (không bao gồm 840 người của Trường Đại học An Giang chuyển về Trường Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), tương ứng giảm chi ngân sách nhà nước ước tính là 365.213.558.788 đồng; chuyển 49 đơn vị sự nghiệp nâng mức độ tự chủ lên tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư.
Tồn tại, hạn chế:
Bên cạnh những mặt thuận lợi, việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW luôn được sự đồng thuận cao trong toàn tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Song việc sắp xếp tổ chức bộ máy và thực hiện tinh giản biên chế viên chức của tỉnh An Giang vẫn còn nhiều khó khăn: 
- Về cơ chế, chính sách: Bộ, ngành chưa ban hành các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các ĐVSNCL sau khi tổ chức lại; các hướng dẫn về tổ chức, hoạt động của các ĐVSNCL trong điều kiện mới; hướng dẫn việc xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí làm cơ sở để xây dựng đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về giá và quy định của các pháp luật khác có liên quan để làm cơ sở giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ.
- Về vị trí việc làm: việc xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các ĐVSNCL còn gặp nhiều khó khăn do chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ, ngành Trung ương về chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong ĐVSNCL thuộc ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
- Về viên chức lãnh đạo, quản lý: Một số đơn vị sự nghiệp công lập sau khi thực hiện sáp nhập, giải thể, giảm các đầu mối dẫn đến việc dư số lượng cấp phó so với quy định, việc bố trí công tác cho cán bộ, viên chức gặp khó khăn.
- Công tác tuyên truyền định hướng, quán triệt trong quá trình thực hiện chưa được thường xuyên; chưa động viên khen thưởng kịp thời những cơ quan, đơn vị tích cực trong tổ chức thực hiện chính sách tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức. Một số ít cơ quan, đơn vị chưa đẩy nhanh tiến độ trong đề xuất sắp xếp lại cơ cấu tổ chức để tinh gọn bộ máy, chưa mạnh dạn đề xuất giảm những người hạn chế năng lực, trình độ chuyên môn không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và vị trí việc làm, để thu hút những người có năng lực, có tài, có đức vào công tác, tạo khâu đột phá trong cán bộ, công chức, viên chức.
Về giải pháp thực hiện
Để tiếp tục triển khai đạt hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết số 19-NQ/TW đề ra trong giai đoạn 2022-2025 và đến năm 2030, Tỉnh ủy An Giang đề ra một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế của các ĐVSNCL nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong ý chí và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, sự đồng thuận của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong triển khai thực hiện.
Hai là, thực hiện đồng bộ trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; đồng thời thực hiện nghiêm, nhất quán quan điểm Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị; đồng thời phát huy dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu.
Ba là, thực hiện các giải pháp tinh giản biên chế gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đi đôi với thực hiện tinh giản biên chế, tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung rà soát, sắp xếp, tổ chức lại các ĐVSNCL phù hợp với chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thúc đẩy xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ sự nghiệp công.
Bốn là, hoàn thiện Đề án vị trí việc làm, cơ cấu chức danh nghề nghiệp và tiêu chuẩn chuyên môn nghề nghiệp, khung năng lực từng vị trí việc làm trong ĐVSNCL làm cơ sở để tuyển dụng, phân công, sắp xếp đội ngũ cán bộ, viên chức theo hướng tinh gọn và nâng cao chất lượng. Đẩy mạnh thực hiện việc đánh giá, phân loại cán bộ, viên chức hằng năm vào kết quả, hiệu quả hoạt động và công tác của cơ quan, đơn vị; đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, tập trung dân chủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc tinh giản biên chế đối với những cán bộ, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất đạo đức và hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ.
Năm là, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như kịp thời động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân làm tốt, qua đó phát huy tính chủ động, tích cực của tập thể, cá nhân.

Giang_Phòng TCBC&TCPCP

số điện thoại tiếp nhận
phản ánh kiến nghị về tthc

1

Ông Trương Long Hồ (Phó Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0983.570.009

Email: tlho@angiang.gov.vn

2

Phòng Tổng hợp - UBND tỉnh

Điện thoại: 02963.957.006

Email: thutuchanhchinh@angiang.gov.vn

3

Tổ kiểm tra công vụ

Điện thoại: 02963.957.049 - 0378.247.247

Email: kiemtracongvu@angiang.gov.vn

đường dây nóng ngành nội vụ an giang

1

Ông Ngô Hồng Yến (Giám Đốc Sở)

Điện thoại: 0913.658.627

2

Bà Ngô Thị Ngọc Hạnh (Chánh Văn phòng Sở)

Điện thoại: 0968.078.529

3

Thanh tra Sở

Điện thoại: 02963.981.818

Thống kê truy cập

Lượt truy cập

Hôm nay

Đang online